TRIẾT LÝ GIÁO DỤC

CHƯƠNG 1. NỀN TẢNG LÝ LUẬN

Thứ nhất: Các chuyên ngành khoa học nền tảng dùng để ứng dụng cho mọi hoạt động giáo dục – đào tạo là 4 trụ cột tri thức: giáo dục học, triết học, tâm học, tâm linh học;

Thứ hai: Nền tảng của các nền tảng khoa học dùng làm hệ quy chiếu là khoa học tỉnh thức (Buddhasāsana);

Thứ ba: Mọi hoạt động dựa trên nguyên tắc liên ngành trong nghiên cứu khoa học;

Thứ tư: Mọi hoạt động có đích đến cuối cùng là phục vụ cho sự thăng tiến (bhāvanā).

 

CHƯƠNG 2. VIỆC DẠY VÀ HỌC

Thứ nhất: Dạy là một quá trình hoạt động về giáo dục - đào tạo với 4 nội dung được thực hiện: tư tưởng, đạo đức, tri thức, kỹ năng (ứng dụng khoa học công nghệ) theo mô hình giáo dục thăng tiến, mà sự nhiều ít tùy thuộc từng giai đoạn phát triển.

Thứ hai: Học là quá trình song song với dạy, tiếp nhận-phản hồi-đánh giá quá trình dạy.

Thứ ba: Giữa quá trình dạy và học có mối quan hệ biện chứng. Trong quá trình này, người dạy và người học tương tác với nhau bằng nhiều hình thức, nhằm đem lại kết quả dạy và học cao nhất.

Thứ tư: Giáo dục và đào tạo diễn ra theo quá trình: nhận diện và rèn luyện - chuyển hoá từng yếu tố một trong tư tưởng – đạo đức – tri thức – kỹ năng.

 

CHƯƠNG 3. NGƯỜI DẠY VÀ NGƯỜI HỌC

Thứ nhất: Người dạy là người thực hiện quá trình dạy và thăng tiến tự thân.

Thứ hai: Người học là người thực hiện quá trình học và thăng tiến tự thân.

Thứ ba: Mối quan hệ giữa người dạy và người học được thiết lập theo quan hệ gia đình (thăng tiến): bình đẳng, tự do và tác động qua lại một cách tích cực.

Thứ tư: Người dạy và người học có trách nhiệm và quyền lợi trong việc chuyển hoá xã hội.

 

CHƯƠNG 4. GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO

Thứ nhất: Giáo dục là tất cả các hoạt động đưa đến chuyển đổi tâm – tánh của người học theo một hệ quy chiếu tỉnh thức;

Thứ hai: Đào tạo là tất cả các hoạt động đưa đến chuyển đổi hành vi – lời nói của người học theo một hệ quy chiếu tỉnh thức;

Thứ ba: Hoạt động giáo dục có tính quyết định hoạt động đào tạo;

Thứ tư: Giáo dục – đào tạo được thực hiện theo mô hình giáo dục thăng tiến.

 

CHƯƠNG 5. MÔ HÌNH GIÁO DỤC THĂNG TIẾN

Thứ nhất: Mô hình giáo dục thăng tiến: là mô hình phát triển con người trên thang bậc hạng người với 4 hoạt động chính: sửa cái xấu cái sai (sửa mình); học cái đúng, cái tốt (gieo mới); phát triển cái thiện lành đã có; thực tập cho đạt được cái thiện lành đã học;

Thứ hai: Hạng người được chia thành 10 bậc từ thấp lên cao: tục tử, vô văn phàm phu, phàm phu, tầm thường, trí thức, thiện trí thức, hiền triết, cao nhân, chân nhân, thánh nhân;

Thứ ba: 10 hạng người được chia thành 4 nhóm: nhóm hạ liệt (tục tử, vô văn phàm phu, phàm phu, tầm thường), nhóm trung nhân (trí thức, thiện trí thức, hiền triết), nhóm thượng nhân (cao nhân, chân nhân), nhóm thánh nhân.

Thứ tư: Mô hình giáo dục thăng tiến kết nối không chỉ học viên với nhau mà còn với gia đình học viên, các mối quan hệ khác xung quanh học viên để tạo thành một mạng lưới thăng tiến.

 

CHƯƠNG 6. GIÁ TRỊ CỐT LÕI

Thứ nhất: ĐỊNH HƯỚNG TỔ CHỨC

Xây dựng trường học cộng đồng theo mô hình giáo dục thăng tiến, tiến tới mô hình Làng Tỉnh Thức.

Thứ hai: QUAN ĐIỂM VỀ NỘI DUNG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO

Tư tưởng là nền tảng, đạo đức là quan trọng, tri thức là căn bản, kỹ năng là cần thiết.

Thứ ba: QUAN ĐIỂM VỀ SỰ TÁC ĐỘNG CỦA GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO

Khai phóng tư tưởng và phát triển trí tuệ của mỗi cá nhân là điều kiện tiên quyết để phát triển xã hội. Giáo dục là nền tảng quyết định thịnh suy của nền văn minh nhân loại.

Thứ tư: HỌC ĐỂ LÀM NGƯỜI: DUY TUỆ THỊ NGHIỆP – QUẢNG HỌC ĐA VĂN

Quảng học đa văn: học rộng và thấu hiểu sáng rõ.

Duy tuệ thị nghiệp: lấy việc phát triển trí tuệ làm sự nghiệp hàng đầu.

Học để làm người: tất cả việc học và thăng tiến trí tuệ là để trở thành một người tỉnh thức.

CHƯƠNG 7. GIÁ TRỊ NHÂN BẢN VÀ BỘ KHUNG KHOA HỌC ỨNG DỤNG

Thứ nhất: 12 GIÁ TRỊ NHÂN BẢN VÀ 7 BẬC

12 giá trị nhân bản:

1. Trung thực            2. Yêu thương           3. Tôn trọng             4. Biết ơn & đền ơn  

5. Kiên nhẫn            6. Khiêm tốn            7. Giản dị                  8. Trách nhiệm

9. Hợp tác                 10. Tha thứ               11. Tự do                   12. Hạnh phúc

Thứ hai: Phân bậc 12 giá trị nhân bản

Bậc 1: Trung thực |    Bậc 2: Yêu thương – Tôn trọng |       Bậc 3: Biết ơn & đền ơn – Kiên nhẫn

Bậc 4: Khiêm tốn – giản dị| Bậc 5: Trách nhiệm – hợp tác |   Bậc 6: Tha thứ - Tự do

Bậc 7: Hạnh phúc

Thứ ba: 33 sự thực tập đưa đến an vui cho mình cho người

1. Tin sự thật;           2. Tập chuyên cần ;              3. Thường ghi nhớ;  

4. Tâm tập trung;     5. Nói chân chánh;               6. Làm đúng đắn;

7. Nghề thẳng ngay; 8. Tăng trí tuệ;                      9. Ngẫm sâu xa;

10. Lòng an ổn;         11. Tâm quân bình;               12. Biết hổ thẹn;       

13. Biết sợ sai;                   14. Biết cho đi;                      15. Hành điều học;

16. Tránh cám dỗ;             17. Biết nhẫn nại;                  18. Tầm chân lý;      

19. Sống hướng thượng;        20. Tránh buồn sợ;               21. Giữ môi sinh;

22. Không trộm cướp;           23. Không tà hạnh;               24. Không dối gian;  

25. Không rượu bia;          26. Sống thanh sạch;            27. Luôn nhạy bén;

28. Biết mềm mỏng;         29. Luôn thích ứng;              30. Hành thuần thục;

31. Tập từ ái;                     32. Tập bi mẫn;                     33. Tập tùy hỷ.

Thứ tư: BỘ CHUẨN KHOA HỌC ỨNG DỤNG (GỌI TẮT LÀ KỸ NĂNG)

Nhóm 1: Nhóm các ứng dụng về nhận thức và trí tuệ;

+ Các kỹ năng về tư duy;

+ Các kỹ năng về tinh thần lãnh đạo;

+ Các kỹ năng về nội tâm và cảm xúc.

Nhóm 2: Nhóm các ứng dụng xã hội;

+ Các kỹ năng giao tiếp

+ Kỹ năng hợp tác

+ Kỹ năng tự khẳng định mình và trình bày quan điểm cá nhân

+ Kỹ năng sinh hoạt trại

+ Kỹ năng tìm kiếm và chọn lọc thông tin

+ Kỹ năng từ chối bạo lực

+ Kỹ năng truyền thông

Nhóm 3: Nhóm các ứng dụng chuyên biệt

+ Kỹ năng về giới

+ Kỹ năng chăm sóc sức khỏe và sơ cấp cứu

+ Kỹ năng thoát hiểm

+ Kỹ năng công nghệ

+ Kỹ năng nghiên cứu khoa học

+ Kỹ năng làm cha mẹ

 

CHƯƠNG 8. ĐỊNH HƯỚNG CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO

Thứ nhất: CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO TÀI NĂNG[1]

   + Chương trình giáo dục đào tạo tài năng là chương trình có tính trị liệu nhằm sửa đổi tâm tánh, hành vi, lời nói của một người nhằm phát triển tối đa năng lực trí tuệ của người đó;

   + Nội dung giáo dục – đào tạo Tài năng bao gồm bốn trụ cột tri thức và ứng dụng 4 trụ cột tri thức.

Thứ hai: CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC  - ĐÀO TẠO CÓ TÍNH HỌC THUẬT CAO

   + Giáo dục và đào tạo chuyên sâu các học phần xoay quanh 4 trụ cột tri thức được gọi là chương trình giáo dục – đào tạo có tính học thuật cao;

   + Nội dung chương trình được xây dựng trên nền tảng của triết học phê phán.

Thứ ba: CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC  - ĐÀO TẠO CÓ TÍNH ỨNG DỤNG CAO

   + Giáo dục và đào tạo theo hướng ứng dụng một vài tri thức trong  4 trụ cột tri thức được gọi là chương trình giáo dục – đào tạo có tính ứng dụng cao;

   + Chương trình này bắt buộc phải có thực hành - thực tế.

Thứ tư: ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO

+ Đánh giá dựa trên năng lực, không dựa trên bằng cấp;

+ Đánh giá bằng quá trình;

+ Kết quả dựa vào sự thăng tiến trong đời sống.



[1] Tài: sức mạnh có được từ bên trong (trí tuệ), năng: công dụng. Tài năng: công dụng của trí tuệ tự thân.